Đầu tư thiết thực, kịp thời
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đến nay đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk” được xây dựng và triển khai qua bốn giai đoạn, với những chương trình, nội dung thiết thực, phù hợp và kịp thời như: Mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho thế hệ trẻ; phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống có liên quan đến cồng chiêng; mua chiêng tặng các buôn làng và hỗ trợ kinh phí cho các đội chiêng, nhà văn hóa cộng đồng diễn xướng; tổ chức hội diễn, hội thảo và giao lưu văn hóa cồng chiêng các cấp theo định kỳ; thống kê, sưu tầm các bài chiêng cổ để gìn giữ, bảo tồn; in sách, làm băng đĩa hình về các nghi lễ, lễ hội gắn với hoạt động diễn xướng cồng chiêng nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng…
Nét văn hóa cồng chiêng được truyền từ đời này sang đời khác
Từ năm 2007 đến nay đã có gần 200 bộ chiêng các loại được Sở VHTTDL chuyển đến các buôn làng, đội chiêng tiêu biểu góp phần đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh và tín ngưỡng của chủ thể di sản này; đồng thời tạo điều kiện cho họ duy trì và đẩy mạnh việc truyền dạy cồng chiêng trong cộng đồng, nhất là lớp trẻ hiện nay kế thừa và phát triển.
Theo điều tra, thống kê mới nhất của phòng văn hóa – thông tin 15 huyện, thị xã và thành phố, trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 2.300 bộ chiêng được các gia đình, dòng tộc sở hữu, gìn giữ và bảo tồn; có hơn 4.300 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, trong đó có hơn 1.100 nghệ nhân biết chỉnh chiêng và có khả năng truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng ở mọi cấp độ, từ đơn giản đến phức tạp…
Điều đáng nói ở đây là tuy số nghệ nhân am hiểu về cồng chiêng mất đi khá nhiều do tuổi tác, nhưng bù lại số nghệ nhân trẻ được tiếp nối từ các thế hệ trước cũng đã tăng lên đáng kể. Trong số 579 buôn làng người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk thì đã có gần 400 buôn làng có đội chiêng trẻ và chính các em ngày càng khẳng định được mình.
Phục dựng, tôn tạo yếu tố cốt lõi
Trong bối cảnh điều kiện kinh tế – xã hội có nhiều thay đổi như hiện nay, cồng chiêng mất dần cơ sở diễn xướng, vì thế việc khôi phục “môi trường sống”, hay nói cách khác là nỗ lực phục dựng, tôn tạo lại các yếu tố cốt lõi cho di sản này tồn tại và ngày càng lan tỏa trong đời sống cộng đồng là vấn đề nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, cán bộ chuyên môn và quản lý văn hóa trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Ngoài việc nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp cho cộng đồng tham vấn, thực hiện, cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo bàn về vấn đề này.
Đội nghệ nhân cồng chiêng múa hát trong các dịp lễ hội- Du lịch các dân tộc Việt Nam
Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, từ năm 2007 đến nay, các địa phương định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa – thể thao các cấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm phục dựng và tái hiện các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào.
Trong số 158 nghi lễ, lễ hội gắn với hoạt động diễn xướng cồng chiêng của người Êđê, M’nông, J’rai, Xê đăng, Vân Kiều và cả người Thái, Mường di cư vào Đắk Lắk được khảo sát, tổ chức phục dựng nhằm tạo cơ hội, môi trường diễn xướng cho cồng chiêng âm vang và lan tỏa.
Có thể nói, nhờ những nỗ lực trên mà văn hóa cồng chiêng ở đây đã thật sự “hồi sinh” để hòa chung với nhịp sống hôm nay. Theo đó, ngoài chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng định kỳ hằng tháng nhằm phục vụ nhân dân và du khách từ cuối năm 2017 đến nay, ngành văn hóa còn phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị truyền thông trong nước và quốc tế quảng bá, giới thiệu di sản tiêu biểu này đến với đông đảo công chúng, thông qua những cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa – văn nghệ trong và ngoài nước với mục đích mở rộng và lan tỏa hơn giá trị di sản cồng chiêng trong dòng chảy hội nhập văn hóa của nhân loại.
Chia sẻ về điều này, Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) tâm tình: Văn hóa cồng chiêng đã được mọi người cảm nhận, ứng xử với thái độ của “người trong cuộc”, tránh tình trạng qua loa, nhạt nhòa, thậm chí méo mó, dễ làm mất đi bản chất, tính đa nghĩa của một giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc thiểu số như trước. Nói đầy đủ hơn là cồng chiêng được trả về nơi chốn sinh thành của nó – là nghi lễ, phong tục và lễ hội truyền thống. Ở đó, chức năng xã hội, tín ngưỡng và tâm linh của cồng chiêng đã được khôi phục; đồng thời chức năng biểu hiện cảm xúc thông qua hình tượng nghệ thuật trình diễn, hát múa theo loại hình âm nhạc đặc sắc này đã được chuyên chở, thăng hoa trong tâm hồn những ai có dịp thưởng thức và cảm nhận.
Từ những điều cốt lõi đó đã đem lại cách tiếp cận, cũng như cái nhìn đúng đắn về đời sống văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử – baodaklak.vn